11 thg 3, 2019

Tả cơn mưa mang đến nhiều cảm xúc cho em.

Lời dẫn: Những cảm nhận của học trò rất tuyệt. Nó trong sáng, dịu êm và luôn có những cung bậc mà ta chỉ có thể cảm thấy thật nhẹ nhàng trong tâm hồn. Ta nên trân trọng và giữ lấy những trang viết còn ngây ngô nhưng lại rất ngọt ngào của chúng.
1. Trần Việt Cường
Một buổi chiều, trên đường đi học về, bất chợt một cơn mưa ập tới.
 Trời đã về chiều, bóng nắng dần tắt, bỗng từ đâu những đám mây đen ùn ùn khéo đến. Trời tối sầm lại, rồi hạt mưa bắt đầu rải tí tách xuống đường. Mưa bắt đầu rơi nhiều hơn, rào rào rơi xuống. Những người đi đường đều nhanh chóng dừng đỗ dưới những tán cây lớn để trú mưa hay tranh thủ mặc áo mưa rồi tiếp tục đi. Vừa may, khi cơn mưa bắt đầu nặng hạt thì tôi đã về đến nhà. Sau ô cửa phòng khách, cơn mưa ngày càng to hơn. Những hay mưa rơi đồm độp trên mái tôn, chảy thành dòng trên ô cửa kính. Mấy chú chim bồ câu nhà bên cạnh đã chui tọt vào tổ để tránh mưa, không còn bay đi, bay lại trước sân nhà như thường ngày. Bọn trẻ con trong xóm gọi nhau í ới, chơi đùa dưới những chiếc ô để trong sân tập thể. Bọn nó thích thú đưa tay đón những làn nước mưa mát lạnh rồi té vào người nhau cười khúc khích.
Được một lúc, trời bắt đầu ngớt mưa. Đường phố đã dần lên đèn. Con đường hôm nay thật sạch sẽ. Nước mưa đã gột rửa hết những bụi bặm trên cành lá, trên những bức tường. Bầu không khí trở nên khoáng đãng hơn, trong lành, man mát. Mọi người ra sân chung cư tản bộ để tận hưởng cái sự mát mẻ, dịu êm của tiết trời sau cơn mưa. Mấy con chim chui ra khỏi chỗ trú, rỉa rỉa lông cánh cho khô.
Lặng yên ngồi bên cửa sổ ngắm cơn mưa, tôi thấy cuộc đời thật bình yên, giản dị. Nhờ cơn mưa mà thành phố như được gột rửa lớp bụi bám lâu ngày. Cái nóng mùa hè cũng bị xua tan đi. Vất vả nhất có lẽ là các bác lao công, các bác đang cố dọn dẹp nốt đóng lá ứ đọng lại do nước mưa dồn xuống.
Một cơn mưa qua đi thật đẹp!
2. Nguyễn Minh Hà
Chủ nhật cuối tuần, tôi đang ngồi đọc truyện bên cạnh chú mèo của tôi với một cốc trà sữa mát lạnh thì một cơn mưa phùn mùa xuân kéo đến. Mưa xuân tí tách cả ngày.
Trời mùa xuân được vài lúc hửng nắng rồi lại xầm xì mây đen. Một làn gió lành lạnh lướt qua làm cây lá rung rinh. Rồi từng hạt, từng hạt kéo nhau rơi xuống con đường đang tập nập người qua lại. Mấy chú chim nhỏ đang chơi đùa trong vườn cây nhà đối diện vội chui vào tổ. Trên đường, xe máy, ô tô vội vã lướt đi để tránh cơn mưa. Những hạt mưa nhỏ liên tiếp rơi xuống, bám đầy vào bức tường bụi bặm của tòa nhà. Cây cối đung đưa như vui mừng đón lấy những hạt nước mát lành của mùa xuân để đâm chồi, nảy lộc. Mưa rơi tí tách bên hiên nhà. Được một lúc, mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn. Không khí thật mát mẻ, trong lành. Những đám mây đen tan dần để lại bầu trời cao xanh vời vợi. Trên ô cửa sổ vẫn đọng lại vài giọt nước mưa. Mấy đứa trẻ rủ nhau ra phố chơi đùa. Đường phố lại trở nên đông vui, tấp nập với tiếng máy nổ, tiếng còi xe inh ỏi của người đi đường.
Cơn mưa xuân kéo đến đã rửa sạch mọi lớp bụi bẩn của thành phố. Nó mang lại sức sống. Nó đánh thức những mần non gỡ bỏ chiếc áo mùa đông ảm đạm để khoác lên một màu áo mới tươi xanh. Vậy nên, tôi rất yêu những cơn mưa mùa xuân, yêu vẻ đẹp trong lành của thành phố sau mưa và yêu những tiếng mưa rơi tí tách.
3. Nguyễn Tiến Dũng
Vào tháng sáu, trời nắng chang chang, đặc biệt là ở các nước gần xích đạo như Xin- ga- po. Trong một lần đi du lịch ở đây, chúng tôi đã gặp một trận mưa rào rất lớn. Khi ấy là sau thời gian ăn sáng ở kí túc xá thì bất chợt cơn mưa ào tới. Một tiếng sấm lớn. Thế là xong kế hoạch thể thao, chúng tôi đành vào khu thương mại để trú mưa. Một không khí mát rượi lan tỏa.
Qua khung cửa kính của chiếc xe buýt, tôi nhìn thấy những giọt mưa tinh nghịch nhảy nhót, vui đùa trên đường. Chúng rơi ngày càng nhiều, anh em chúng tụ họp cũng đông đủ hơn theo từng giờ. Lúc sau, nhìn qua khung kính lớn ở siêu thị, làn nước chảy thành dòng xóa nhòa cảnh vật. Tôi đứng gần hơn đển nhìn ra bên ngoài. Trên cao, những chiếc cáp treo vẫn vù vù chạy trên những sợi dây. Ở ngoài, mọi người hối hả tìm chỗ trú mưa. Sau đó, chúng tôi đi dần vào trong siêu thị lớn.
Trận mưa vẫn tiếp tục, tiếng lộp độp trên nóc nhà, tiếng ào ào của cơn mưa, tiếng tí tách vui đùa của từng giọt nước mưa vẫn tiếp tục phát ra, khiến tôi đã cách xa mà vẫn có thể nghe thấy văng vẳng bên tai. Một lúc lâu, những âm thanh tiếng mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn. Chúng tôi vội ùa ra ngoài đón lấy những tia nắng chói chang, rực rỡ của trời hè.
 Trận mưa đã gột rửa mọi thứ. Mặt đường trở nên bóng loáng như vừa mới làm xong. Những chiếc xe đậu trên bãi được gột bụi như vừa mới sơn xong. Bầu trời xanh, cao vời vợi. Trên những chiếc lá, những nhành cây còn đọng lại những giọt nước mưa long lanh như hạt ngọc, lấp lánh như kim cương.  Thay cho mùi của khói xe cộ là mùi vị man mát, trong lành của làn sương mờ ảo đang dần tan biến.
Trận mưa ấy là một kỉ niệm đẹp của tôi với đất nước xinh đẹp này. Tuy cái nắng bên ấy rất oi ả, khó chịu nhưng những cơn mưa hiếm hoi như này lại mang đến cho ta cảm giác ngọt ngào, vui vẻ. Từ lúc cơn mưa ập tới, không khí mát dịu đã tiếp thêm sức cho chúng tôi trong cuộc hành trình khám phá quốc đảo sư tử thú vị này.


4. Nguyễn Đức Tùng
Đó là một hôm thứ sáu đẹp trời, tôi đang chơi với con siêu nhân gao và nhâm nhi một cốc trà sữa mát lạnh thì một cơn mưa bất chợt đến. Đó là một cơn mưa rào vội vã.
Bầu trời tối xịt lại. Những đám mây trắng nhường chỗ cho những đám mây đen lạnh lẽo. Mặt trời đã bị che khuất nhưng vẫn còn chút tia nắng hạ hắt lại từ phía xa. Mấy cái cây ven đường dường như đang rất vui vẻ đón lấy những hạt mưa mát lành từ thiên nhiên. Mấy con chim trên cành cây vội vã chui vào tổ trú mưa. Con chó nhà em nghe thấy tiếng sấm ầm ầm vội chạy tọt vào nhà. Chị gà mái mơ cục tác gọi đàn con nhỏ vào chuồng. Mặt đường nhựa tràn trề những làn nước mưa trong vắt. Mấy cái xe đi qua làm những vũng nước bắn tung tóe.
Qua ô cửa sổ, tôi thấy những giọt nước mưa mát lạnh thi nhau bám vào cửa kính, sờ vào man mát, dịu êm. Ngoài kia, ai ai cũng vội vã bước nhanh chân để về nhà kẻo ướt. Tiếng còi xe inh ỏi ở chỗ tắc đường. Những ánh đèn đường hòa với những giọt mưa xiên xuống tạo ra một cảm giác huyền ảo, thơ mộng. Mấy anh công nhân sửa đường đành phải bỏ dở công việc để trú mưa. Những giọt mưa long lanh rơi xuống các mái tôn và phát ra những tiếng động nghe vui tai.
Mưa đã làm cho cả thành phố như ngừng lại để ngắm mưa. Mưa đã tạnh. Bầu trời trong, quang đãng hẳn lên. Mặt hồ phẳng lặng, nước đầy hơn. Những chú chim vui vẻ hót vui trong lùm lá.

Tôi rất thích cơn mưa rào mùa hạ. Cơn mưa xua tan cái nóng oi bức của mùa hè. Giá như hè thường xuyên có những cơn mưa như thế thì cái nóng hạ chẳng còn làm khó được ai.

10 thg 3, 2019

Tính đối xứng trong tác phẩm "Con đường mùa đông" của Puskin

Puskin - mặt trời vĩ đại của thi ca Nga. Tác phẩm của ông không chỉ hấp dẫn về nội dung mà nghệ thuật cũng đạt tới mức tinh xảo. Có thể nói : ở Puskin người ta tìm thấy con người Nga hoàn chỉnh nhất, tâm hồn Nga đẹp đẽ nhất. Đặc sắc về phong cách nghệ thuật nổi bất nhất của Puskin chính là sự hài hòa về nội dung và nghệ thuật, đó là sự hài hòa của một chỉnh thể động. Nhà phê bình Bielinsky từng nhận định: "trong thơ của Puskin bao giờ cũng có bầu trời nhưng bầu trời đó lúc nào cũng hòa với mặt đất..." Điều này đã chứng tỏ khả năng hóa giải những mâu thuẫn giằng xé trong tâm trạng để đến với một kết cục bất ngờ nhưng lại vô cùng hoàn hảo. Sự hài hòa ấy thể hiện trên cả hai bình diện, nội dung và nghệ thuật và bằng một cách nào đó mà nhà thơ luôn có thể lồng ghép chúng vào với nhau tạo nên kết cấu đối xứng trong tác phẩm của mình. Bài thơ "Con đường mùa đông" là một ví dụ tiêu biểu cho sự sáng tạo của thiên tài Puskin.
  " Con đường mùa đông " là bài thơ được ra đời trong những ngày tháng nhà thơ bị đi đày ở phương Bắc xa xôi. Mùa đông năm 1826, tại Mikhailovskoie, nơi mà nhà thơ thường gọi là "mảnh đất cô đơn lạnh giá", Puskin đã sáng tác cả một chùm thơ về mùa đông. Có thể nói rằng, khoảng thời gian ở nơi này là mùa bội thu của Puskin, những tác phẩm được sáng tác ở thời điểm này nói chung và "Con đường mùa đông " nói riêng thể hiện rất rõ phong cách nghệ thuật của Puskin, đó chính là sự hài hòa đạt tới chuẩn mực của tính đối xứng trong sáng tác của Puskin.
  Tâm trạng bao trùm lên cả bải thơ là nỗi buồn. Một nỗi buồn nặng trĩu. Ứng với nó là sự vận động của cỗ xe tam mã, sự chuyển đổi trong tình cảm của nhân vật trữ tình. Tuy nhiên đó là nỗi buồn không bi lụy. Nói như chính nhà thơ :" Tôi vừa buồn vừa thanh thản. Nỗi buồn của tôi sáng trong" (Trên đồi Gruzia, 1829). "Nỗi buồn sáng trong" ấy có được là do nhà thơ luôn ý thức được quy luật vận động của cuộc sống,luôn tìm đến những điểm tựa về cội nguồn (hình ảnh về thời thơ ấu, những lời ca dân gian, những con người bình dị..) và tiếp nữa là trái tim luôn tìm đến với hơi ấm tình người, những khát vọng sáng tạo không bao giờ tắt trong lòng mình.
  Tất cả những điều trên được thể hiện ngay ở nhan đề bài thơ. Với thơ, Puskin rất ít khi đặt tiêu đề. Nhưng với bài thơ này thì khác, nhan đề chính là một ẩn dụ, một "phát ngôn" đầu tiên cần được giải mã để tìm đến những tín hiệu nghệ thuật khác trong bài thơ dược theo kết cấu tuyến tính của nó. Bài thơ có tất thảy 7 khổ, viết theo thể thơ tự do, mạch thơ chuyển động theo trình tự không gian và thời gian giữa một đêm trăng mờ sương, trên một con đường mùa đông heo hút.
  Hình ảnh con đường gợi ra sự  chuyển động có hướng, đi cùng với đó là "mùa đông", một danh từ đóng vai trò bổ ngữ cho "con đường". Mùa đông nước Nga, tuyết phủ trắng xóa, lạnh giá, ảm đạm, đìu hiu, tất cả gợi nên nỗi buồn trong lòng con người. Một bên là nỗi buồn, một bên là sự vận động.  Vậy phải chăng  " Con đường mùa đông" không có nghĩa gì khác ngoài diễn tả sự vận đông của nỗi buồn, nhưng đó không phải là cách nhấn sâu hơn vào nỗi buồn mà là sự vượt thoát nỗi buồn của chủ thể. Sự vận động đó được miêu tả ra sao thì có lẽ chúng ta cần tìm ra những kết nối qua các tín hiệu hình ảnh, âm thanh trong bài thơ.

Câu chuyện Miệng đời

   Tôi dạy về ngôn ngữ. Và luôn có một câu hỏi: "Ngôn ngữ dùng để làm gì?". Hỏi vu vơ cho đời bớt ngơ. Đa số sẽ trả lời ngay là giao tiếp. Mục đích của giao tiếp vốn là trao đổi thông tin giữa người và người. Một thứ văn minh cấp cao mà chẳng loài vật nào hân hạnh có được điều đấy. Hoặc như cái trí tuệ siêu phàm của ta chưa hiểu được tiếng động vật cũng như vật không thể dịch ngôn ngữ của ta ra tiếng của loài nó.
  Nói về cái Miệng Đời thì thật là nhiều ngóc ngách. Mỗi người vốn có 1 cái miệng. Miệng để ăn, để uống, để nói và để... Các cụ ta hay nói câu "vạ miệng" hay "tội vạ tại miệng", "chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe",... Đời mà, có hàng vạn người, tương ứng với vạn vạn cái miệng. Chuyện thằng Chí Phèo chửi, người làng Vũ Đại cũng kệ nó, miệng nó, nó chửi, tai gần đó nó nghe. Vậy nên, miệng nói thỏa thích, chả thèm để ý bố con thằng nào.

    Có mỗi chuyện trai lấy vợ, gái lấy chồng thôi người ta cũng bàn tán nhau làng trên xóm dưới. Con ông này lấy chồng, thấy tổ chức đám to to, mời nhiều nhiều, đến hôm đám thì chưng ra nào là vàng ròng, vàng bốn số chín, vàng đeo tay, đeo cổ, đeo chân...thì cả làng ối giời, chúc nhà ông ấy tốt phúc lấy phải thằng giàu, chỉ nằm duỗi mà ăn. Rồi lâu lâu, thấy cô con gái ấy về, ăn dầm nằm dề ở nhà bố mẹ không về nhà chồng nữa thì cái Miệng thông tin ngay về thói lười làm, sướng không biết đường mà sướng của cô ta. Rồi con ông kia, học hành tử tế, ngoan ngoãn, chăm làm nhưng chưa chồng thì cái Miệng tha hồ phán xét đủ điều là học nhiều ngộ chữ, nói nhiều nên hâm, khó tính, khó chiều nên chả ai ưa. Lấy chồng nhà khá giả thì bảo tốt số, lấy chồng nhà bình thường thì bảo dại ngu, chưa lấy chồng thì bảo kén cá chọn canh, lấy rồi mà bỏ thì bảo có phước mà không biết hưởng. Chuyện của Đời, ai làm cho ai? mà Miệng của Đời nói dài không thôi.
   Tôi thường phản ứng cái thói ích kỉ, cá nhân, chỉ biết nghĩ đến cái sở thích của mình mà không biết đến tập thể của mấy bé học trò rất gay gắt. Bởi cho rằng, cái thế giới ta đang sống, không riêng của mình ta, không riêng là của ta, ta sống trong cái mạng nhện kết nối. Lợi ích của ta cũng sẽ có phần ảnh hưởng đến người khác, nên làm gì, nghĩ gì cần soi xét. 
    Cẩn trọng tới mức cầu toàn, tới mức phát cáu vì những sự lơ mơ, ngây thơ. Ấy vậy mà vẫn vạ miệng, vẫn luyên thuyên, vẫn chưa chắc được cái Miệng Đời ấy một lúc nào đó ứng ngay vào mình.
       Chuyện về cái Miệng mới nghĩ được đến thế.

10 thg 2, 2019

Thế là một cái Tết nữa lại qua...

    Câu chuyện muôn thuở khi con người ta dần lớn lên thì tết cũng không còn nhiều niềm vui với họ nữa. Tết thay vì hồn nhiên như con điên, háo hức chờ mẹ mua quần áo mới, háo hức chờ bố đi mua cành đào, tíu tít nhìn ông nội gói bánh chưng hay bà quẩy hàng ra chợ cũng đã xa ơi là xa. Tết giờ chỉ đơn giản như một kì nghỉ dài, người ta quay về nhà để nghỉ ngơi, để tránh cái phố thị ồn ào, ô nhiễm, để nằm dài trên giường đến 8-9 giờ mà không lo trễ học, muộn làm. Và dần dần người ta chê Tết nhạt, Tết không có không khí, Tết chẳng vui và Ôi lại Tết.
    Vậy Tết làm sao mà nhạt? Tết vẫn có bánh chưng, vẫn có cành đào, vẫn nhưng phong bao lì xì đo đỏ, áo váy xập xòe, hội hè nhạc ca. Tết căn bản là vẫn như thế từ trước đến nay. Vậy nhạt là do đâu? Do đâu mà nhiều người than vãn cái không khí Tết xưa không còn?
    Làng quê tôi, Tết nay và Tết xưa cũng khác. Từ cái trang trí, đến cái cách người ta sắm Tết cũng hiện đại hơn. Trước thì chỉ một cành đào nho nhỏ, giờ có nhà trưng cả một cây đào bạc triệu, rồi đến cả chục triệu trước sân nhà. Rồi nào quất, nào mai, nào lan, hồng... lung linh như cung điện, đèn led nhấp nháy vui mắt, hiện đại và đẹp như phố thị.
   Còn Tết đối với những người làm việc xa quê, Tết là về nhà, là gặp gỡ bà con chòm xóm, anh em họ hàng để vui vẻ, để ôn lại câu chuyện ngày xưa. Ấy thế mà, trong câu chuyện của người ta lại là người nhà quê và người thành phố, trong cái nhìn đầy sự so sánh, trong cái cảm của phố thị ấy, người ta cho là mình dần xa cái gốc gác quê mùa. Câu chuyện chẳng được mấy từ rồi lại à ừ cho xong. Đến nhà này, nhà kia, họ hỏi xem ta đã làm được gì. Ừ thì đi xa không ai biết, về họ hỏi, nhưng câu chuyện giá như chỉ dừng ở chỗ vui vẻ thân tình thì sẽ không có gì đáng nghĩ ngợi. Về quê, đợi một ngày đông đủ cũng khó, ai cũng có việc bận. Bọn trẻ nhớn thì hẹn bạn hẹn bè, các cô, các chú nhà nào lo việc nhà nấy, vơ vẩn chỉ còn ông bà già ngồi nhà đi ra đi vào ngóng cháu, ngóng con. Bấy nhiêu cái cảnh ấy đã thấy Tết chẳng còn vui. Liệu sau này bọn con nhỏ lớn lên, chúng nó có hỏi: "Tết là gì mà lằng nhằng thế?" không nhỉ?

Có lẽ là tình yêu!

   Viết những dòng này trong lúc tâm trạng thật ổn định để cho sau này có biến cố nào xảy ra thì sẽ không hối hận cho những ngày ta đã sốn...