5 thg 3, 2014

Phân tích truyện ngắn “Không có vua”_Nguyễn Huy Thiệp

 Phân tích truyện ngắn “Không có vua”_Nguyễn Huy Thiệp
Dàn ý:
Tóm tắt truyện
Đề tài, chủ đề
Ý nghĩa nhan đề
Tư tưởng của truyện
Cảm hứng truyện
Những giá trị thẩm mĩ
Bài làm chi tiết:

Tóm tắt truyện ngắn ‘Không có vua”
   Lão Kiền làm nghề chữa xe đạp, vợ lão đã mất mười một năm trước nhưng lão vẫn ở vậy. Nhà lão Kiền có năm người con trai: Cấn là con trưởng, làm nghề cắt tóc. Dưới Cấn là Đoài – công chức ngành giáo dục, Khiêm – nhân viên lò mổ, Khảm – sinh viên đại học và Tốn – người em út bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng. Sinh là vợ của Cấn, về làm dâu nhà lão Kiền đã được mấy năm. Gia đình lão Kiền là một gia đình không có tôn ti trật tự, ăn cơm không ai mời ai, cha con, anh em thường xuyên cãi cọ, chửi bới, châm biếm nhau, thậm chí còn có những hành động bạo lực. Dường như chỉ có Tốn là đáng yêu nhất, nó rất chăm chỉ làm việc nhà và hay giúp đỡ Sinh, cư xử với Sinh bằng lòng tốt vô bờ bến.
  Ngày giỗ bà Nhớn (vợ lão Kiền), sau khi cúng xong, lão Kiền bảo ông Vỹ - em trai bà Nhớn ra lạy chị nhưng ông ta đi theo Cách mạng, mấy chục năm nay không thờ cúng gì nên chẳng biết khấn vái thế nào. Đoài thì đang chặt thịt gà trong bếp, hai tay đầy mỡ cũng ra vái lạy, xin mẹ phù hộ về đường công danh. Khảm thì ngồi với mấy người bạn học tán tỉnh nhau. Trong lúc dọn mâm, nhân lúc vắng người, Đoài buông những lời cợt nhả, chòng ghẹo Sinh, khiến Sinh bật khóc. Cấn thấy căn bếp lộn xộn, bát đũa chưa rửa liền mắng Sinh và xô đổ chồng bát. Buổi chiều, khi mọi người đang ăn thì Khiêm đi làm về, không thấy thằng Tốn đâu. Hóa ra vì nhà có việc nên Cấn đã nhốt thằng Tốn vào trong cái buồng cạnh nhà xí vốn trước là chuồng lợn nay để than củi. Biết chuyện, Khiêm tức giận ném cái gạt tàn thuốc lá vào mặt Cấn và xô vào đạp túi bụi khiến Cấn bị gẫy răng, máu bê bết. Khiêm dùng xẻng phá khóa mở của cho Tốn, thằng Tốn thấy nhà bẩn lại lập tức đi lau nhà, lão Kiền thì chỉ thấy tiếc cái khóa hỏng.
  Sinh bị mất chiếc nhẫn, mọi người cho rằng do bạn của Khảm lấy cắp, Khảm và Cấn bèn đi đòi. Ở nhà, Sinh đi tắm, lão Kiền nhìn trộm con dâu tắm. Tốn thấy vậy chỉ cho Đoài hành động của bố liền bị Đoài tát ngã vập mặt vào cái xô. Cuối cùng Tốn lau nhà tìm thấy cái nhẫn của Sinh, nhưng khi Cấn và Khảm trở về trong bộ dạng thảm hại vì mấy con chó béc-giê nhà kia thì lão Kiền lại bảo là Sinh giấu cái nhẫn trong cạp quần. Cấn mắng Sinh là “Đồ khốn nạn” rồi tát Sinh một cái nảy đom đóm mắt. Đoài cầm con dao ngăn lại dọa nếu Cấn còn đánh Sinh nữa thì sẽ đâm Cấn. Lão Kiền thì tiếc cái búa mà hai đứa con mang đi đòi lại nhẫn đã bị mất.
Gần Tết, lão Kiền đi rút tiền tiết kiệm, mua quà cho Tốn và Sinh còn lại đưa cho Cấn giữ hết. Đoài lại dụ dỗ, gạ gẫm Sinh nhưng Sinh quyết liệt từ chối. Lúc giao thừa chỉ có Khiêm, Tốn và Sinh ở nhà. Đó là một buổi tối giao thừa vui vè và cảm động. Khiêm nhường Sinh lễ gia tiên trước vì Sinh là “bề trên”, rồi Khiêm mừng tuổi cho Sinh, Sinh lại mừng tuổi cho Tốn. Sau đó, lão Kiền và vợ chồng Cấn đi chúc Tết hàng xóm, Đoài ở nhà tiếp khách nhưng anh ta thậm chí không biết nhà người hàng xóm đến thăm mình có những ai và người hàng xóm cũng vậy.
Tháng năm, Lão Kiền bị ốm, chữa cả Tây y, Đông y đều không khỏi, đến tháng mười thì phát hiện bị u não. Các con lão tính toán chi tiêu thấy rằng đã tốn kém rất nhiều để chữa bệnh cho cha và suy nghĩ về việc để cho bố chết thì hơn. Khi Cấn và Khiêm đang phân vân thì Đoài nói: “Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé”. Cuối cùng lão Kiền cũng được phẫu thuật, khi ngồi đợi ngoài phòng mổ, Đoài và Khảm rất lo lắng vì bố chưa viết di chúc. Sau đó, cũng chỉ có Sinh tận tình chăm sóc, phục dịch lão, còn Đoài và Khảm thì sợ lây bệnh nên có ý lảng tránh. Khi lão Kiền sắp mất, bà Hiển – em gái lão chép được bài kinh đẻ đọc giải tội giúp lão ra đi thanh thản. Đoài là người “nhiều chữ” nhưng không chịu đọc vì chữ viết xấu, cuối cùng chính Khiêm – người con tai làm nghề đồ tể lại đọc kinh cho cha nghe suốt đêm đến nỗi lạc cả giọng. Khoảng bốn giờ sáng hôm đó lão Kiền chết, Đoài  rất mừng vì “may quá. Ông cụ đi rồi” và hăng hái đi mua quan tài.
  Một trăm ngày sau khi lão Kiền qua đời, Sinh sinh con gái. Trong lúc mọi người đang mở tiệc ăn mừng thì có người đến báo tin ông Vỹ - cậu ruột của  các con ông Kiền mới chết đêm qua nhưng Đoài nói“Cứ gác lại đã, các cụ già chết đi có gì là lạ” và bảo mọi người hãy tiếp tục cuộc vui.

Đề tài và chủ đề

Đề tài: Cuộc sống con người trong xã hội hiện đại
Cuộc sống gia đình: câu chuyện về gia đình ông Kiền.
Cuộc sống xã hội: quan hệ giữa gia đình ông Kiền với các gia đình hàng xóm.
Chủ đề: Sự suy thoái, xuống cấp của đạo đức và văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại.

Phân tích:
Biểu hiện về sự băng hoại đạo đức qua sơ đồ trên và triết lý nhân sinh
- Thứ nhất bức tranh con người đồ vật hóa dẫm đạp lên đạo đức truyền thống:
             + Quan hệ giữa lão Kiền và 5 thằng con trai: “ Lão Kiền suốt ngày cau có. Mọi người không ai thích lão. Lão kiếm ra tiền, lão cãi nhau với mọi người như cơm bữa, lời lẽ độc địa. Như  với Đoài, lão bảo: "Mày ấy à? Công chức gì mặt mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét". Hay với Khảm, cậu sinh viên năm thứ hai: "Đồ ruồi nhặng! Học với chả hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi”. Với Cấn, lão có đỡ hơn, thỉnh thoảng cũng khen, nhưng lời khen lại quá lời chửi: "Hay thật, cái nghề cạo râu ngoáy tai của mày, nhục thì nhục nhưng hái ra tiền".  Hay các chi tiết lão Kiền ăn nói tục tĩu với con cái, coi đồng tiền cao cả hơn tình yêu thương khi người các con xây xát vì vật lộn với con bécgiê khi đi gây sự đòi chiếc nhẫn của Sinh từ người bạn của Khảm: “Lão Kiền hỏi Khảm: "Có mang búa về không?". Khảm cáu: "Tí nữa mất mạng với hai con chó bécgiê còn búa với lại kìm gì?". Lão Kiền bảo: "Thế lại toi trăm bạc"; hay “ chúng mày cứ giết nhau đi, tao càng mừng”
                          -->Chữ “ Cha” theo nghĩa nào?
+ Quan hệ với Sinh qua cách ứng xử của người Bố chồng: “Lão Kiền loay hoay dưới bếp, nghe tiếng dội nước ở trong buồng tắm, thở dài, bỏ lên nhà. Đi vài bước, lão Kiền quay lại, vào trong bếp, bắc chiếc ghế đẩu, trèo lên nín thở ngó sang buồng tắm. Trong buồng tắm, Sinh đứng khỏa thân.”
                          -->Sự băng hoại đạo đức của người cha, bản ngã phần Con lớn hơn phần Người trong người cha.
+ Quan hệ với Sinh qua cách ứng xử của Đoài- em chồng: "Đoài nhìn chăm chú vào khoảng lõm ở ngực chị dâu, nơi chiếc khuy bấm vừa tuột ra, bâng quơ:"Tình ơi tình, mình ơi mình, tình hở hang lắm cho mình ngẩn ngơ"; "Đoài đi theo, lấy cơm vào cặp lồng. Đoài đưa tay chạm vào lưng Sinh, Đoài bảo: "Người chị tôi cứ mềm như bún";Đoài hổn hển: "Tôi nói trước, thế nào tôi cũng ngủ được với Sinh một lần"; “Tối nay tôi vào buồng Sinh nhé!”
                          -->Sự phi giáo dục từ nhân vật học thức về mối quan hệ gia đình, cách ứng xử trong gia đình.
+ Quan hệ anh em trong một gia đình: “Cấn giơ nắm đấm trước mặt bố, bảo rằng: "Ông liệu tống thằng ấy ra khỏi nhà này, không tôi giết nó"; Khiêm hỏi: "Thằng Tốn đâu?". Cấn bảo: "Nhà có việc, để nó ra vào bất tiện. Tôi nhốt nó trong cái buồng ở cạnh nhà xí". Khiêm cầm cái gạt tàn thuốc lá trên bàn ném vào mặt Cấn. Cấn kêu "ối" một tiếng rồi ngã lăn ra…”
                -->Anh em như thể tay chân!?
- Thứ 2 bức tranh con người đồ vật hóa dẫm đạp lên đạo đức truyền thống bằng xâm hại bạo lực: “Khi Sinh bảo: "Tôi có ba đầu sáu tay đâu?" (vì làm quần quật mà vẫn bị Cấn hạch tội để cho nhà trên hết nước sôi), Cấn đã trừng mắt: "Nói năng thế à? Nhà này không có lệ thế! Mấy cái bát này sao chưa rửa?". Nói rồi, xô chồng bát, đi ra; Khi biết sự thực là Cấn đã nhốt Tốn trong cái buồng ở cạnh nhà xí vì ''Nhà có việc, để nó ra vào bất tiện", Khiêm đã "cầm cái gạt tàn thuốc lá trên bàn ném vào mặt Cấn. Cấn kêu "ối" một tiếng rồi ngã lăn ra. Khiêm xô vào đạp túi bụi";Khi nghe Cấn bảo thấy tận mắt thằng bạn của Khảm lấy cắp nhẫn của Sinh, Khảm bảo "Phải đến nhà nó mà đòi. Không trả thì đánh bỏ mẹ nó đi". Cấn xin đi theo Khảm. Lão Kiền bảo: "Mang theo cái búa!"; Khi biết chiếc nhẫn của Sinh chẳng phải bị mất cắp, lại nghe lão Kiền bảo "Vợ mày giấu trong cạp quần chứ đâu", Cấn đã vừa bảo “Đồ khốn nạn" vừa "tát Sinh một cái nảy đom đóm mắt";Khiêm kể về công việc giết lợn. Hai tay cầm hai cực điện dí vào thái dương từng con, "éc" phát là chết. Bị mất điện, phải dùng xà beng quật vào gáy lợn. Gặp con lợn khỏe, quật chục cái không chết, gáy toét cả ra. Một ca Khiêm giết được hơn nghìn con lợn.”
            -->Trên cơ sở sự băng hoại về đạo đức trong tư tưởng của con người dẫn tới việc sử dụng bạo lực không tình thương của nhân cách con người.
Nhìn vào mối quan hệ giữa các nhân vật được phân tích trên đây, khiến cho con người ta phải suy nghĩ lại nhân cách của con người, không thể để con người bị đồ vật hóa, lố bịch hóa một cách triệt để như vậy,đ ể làm mất những giá trị truyền thống của người nhân văn. Văn chương với nhiệm vụ hướng con người đến với Chân- Thiện- Mỹ thì mục tiêu lớn nhất là làm cho con người phải Người hơn. Jean-Paul Sartre  nhà triết học hàng đầu của Pháp thế kỷ xx  đã từng viết: “Theo chúng tôi, trước hết con người tồn tại, có nghĩa là trước hết con người hướng tới tương lai, đồng thời có ý thức về sự hướng tới tương lai đó. Con người trước hết là một dự án (project) tự tồn tại chủ quan, chứ không như một đám rêu, một vật đang thối rữa, hoặc một cây súp lơ”. Đó chính là đòi hỏi về ý thức chủ quan tồn tại trong bản ngã con người. Họ cần vượt qua để không trở thành những đồ vật vô tri, vô giác, như “một đám rêu, một vật đang thối rữa, hoặc một cây súp lơ”.
Triết lý về nhân sinh: nhân chi sơ, tính bản thiện đặt ra một câu hỏi lớn và một thách thức lớn đối với con người chân thực. Con người phải như thế nào để phần Người phải chiến thắng phần Con trong thực thể Con người? Và  làm người phải chăng là một thách thức lớn?

Ý nghĩa nhan đề không có vua
    Mỗi tác phẩm ra đời đều mang một  số phận khác nhau. Có những tác phẩm vừa ra  đời nhưng đã chết ngấm trong làng văn học,nhưng có những tác phẩm vừa ra đời đã gây ra một vấn đề đáng để suy ngẫm và bàn luận.Và với tác phẩm văn học “Không có vua” cũng vậy.Khi ra đời, nó đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều, nó đã gây được tiếng vang ngay từ nhan đề của mình. Như chúng ta đã biết,vua chính là đấng quân vương của một nước,là người  đứng đầu của một quốc gia. Để đất nước thịnh vượng, yên ổn, ấm no,hạnh phúc thì cần phải có một ông vua anh minh, sáng suốt, yêu dân như con. Vua chính là biểu tượng của sự tôn ti trật tự trong xã hội. “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp là một câu chuyện được kể về một gia đình, ở đó chính là bức tranh thu nhỏ của một xã hội,một đất nước nếu không có vua.Trong câu chuyện ấy,tác giả đã dùng ngòi bút của mình để lên án phê phán những thói xấu đang làm đảo điên xã hội.
  => "Không có vua", gợi nhớ từ "loạn cờ" được nhân vật Thủy - cô con dâu trong Tướng về hưu sử dụng. Khi nghe ông Thuấn ngỏ ý muốn giúp ông Cơ và cô Lài dọn đỡ việc nhà, cô Thủy liền phản đối: “Cha là tướng, về hưu cha vẫn là tướng. Cha là chỉ huy. Cha mà làm lính thì dễ loạn cờ". “Không có vua” hay “loạn cờ” là trạng thái nhân thế đảo điên, không tôn ti trật tự, không chuẩn mực giá trị, không điểm tựa tinh thần.


 Tư tưởng của truyện ngắn “Không có vua” – Nguyễn Huy Thiệp.
Thông qua việc phê phán sự nghịch dị các mối quan hệ trong gia đình, Nguyễn Huy Thiệp đưa ra bài học nhân sinh về con người. Con người sống tồn tại cần có chữ “Tâm” để làm cho mối quan hệ giữa người với người đỡ gay gắt và tốt đẹp hơn. Những người trong gia đình lão Kiền, thực chất ai cũng có những nét đẹp ẩn trong tâm hồn. Nhưng bình thường họ sống với nhau bằng sự ích kỉ, bằng bạo lực và những mưu tính riêng, vì thế, họ hằn học với nhau, hành hạ nhau cả về thể xác và tinh thần. Cuộc sống trong cái gia đình mất cân bằng âm-dương ấy chẳng khác nào một bàn cờ loạn vì “không có vua”.
Tác giả còn đưa ra thuyết nhân quả của nhà Phật. Những điều mà lão Kiền đối xử với con cái, nhận lại hậu quả là lũ con biểu quyết cho bố chết. Lão yêu thương con, nhưng tình yêu thương ấy lại tồn tại dưới những lời đay nghiến, mỉa mai, khinh bỉ,… vì thế mà nó đẩy lão và lũ con xa nhau bởi lòng khinh ghét. Thật là chua xót biết mấy! Qua đó, tác giả như ngầm bảo chúng ta về sự tồn tại và cách cư xử của mỗi con người trong mối quan hệ với gia đình và xã hội. Người với người hãy sống lương thiện hơn.
Dù giọng văn của NHT rất khách quan, lạnh lùng, nhưng ẩn sau đó, ta nhận ra tấm lòng thiết tha của tác giả với người, với đời. Tác giả muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng:  cuộc đời này cũng giống như ly rượu có ngọt ngào và cả những đắng cay (lời nhân vật Đoài), cuộc đời này “khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn vừa chua xót. Nhưng thương lắm!”(lời nhân vật Sinh). Chữ “thương lắm” rưng rưng ấy cho ta thấy, cuộc đời này thật sự đáng quý và đáng sống, nên hãy sống sao cho xứng đáng, cho đẹp.
Về cảm hứng trong tác phẩm “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp.
Cảm hứng thế sự: truyện ngắn Không có vua là một tác phẩm không những tiêu biểu cho sáng tác của nhà văn xuất sắc Nguyễn Huy Thiệp mà còn tiêu biểu cho cả một nền văn học mới. Tác giả đã hướng ngòi bút của mình tới những vấn đề nhân sinh giản dị, gần gũi nhưng có nhiều điều đáng để đưa ra bàn bạc. Nguyễn Huy Thiệp không tập trung xây dựng hình ảnh Đất nước rũ bùn đứng dậy sáng lòa hay khắc họa những chị Tư, anh Núp… như biểu tượng của cả dân tộc; cũng không viết về cái không khí sục sôi của lòng căm hờn quân giặc… mà quan tâm, để ý tới cuộc sống bình thường của những con người bình thường, trong một xã hội hết sức bình thường. Điều này có thể được chứng minh qua thế giới nghệ thuật trong tác phẩm:
Hệ thống nhân vật: tác giả lựa chọn cho ngòi bút của mình những nhân vật dù có tính cách riêng, đặc điểm riêng nhưng họ hệt như là những con người chân thực từ cuộc sống bước vào vậy. Họ là một gia đình: bố Kiền, 5 người con trai: Khảm, Khiêm, Đoài, Cấn, Tốn và 1 cô con dâu trưởng tên Sinh. Mỗi người một ngành, một nghề. Hệ thống ngôn ngữ cũng là những khẩu ngữ hay được sử dụng, có cả những câu chửi tục, chửi thề, những tiếng khóc, tiếng than… chứ không cầu kì, hoa mĩ.
Các sự kiện: Tác giả kể chuyện về gia đình này cũng toàn là những chuyện hằng ngày. Nào là chuyện buổi sáng, buổi tối, chuyện ngày giỗ, ngày Tết… Cô Sinh làm bữa, thằng Tốn lau nhà, ông Kiền sửa xe, Cấn cắt tóc, Khảm xin tiền học, Khiêm mang thịt từ lò mổ về… Tác phẩm cứ như một vở kịch với các cảnh diễn khác nhau, ghép lại, rời rạc nhưng vẫn có sức hấp dẫn lạ kì.
Không gian: quanh quẩn trong gian nhà chật chội của bố con nhà nọ, thỉnh thoảng có mở rộng tới bệnh viện,… nhưng cũng không có gì mới lạ, hư cấu một cách thái quá. Tất cả đều quen thuộc với mỗi con người.
Thời gian: cũng là những ngày từ sáng đến tối, cũng những ngày giỗ, ngày Tết như ai.

Thế giới được miêu tả trong tác phẩm sống động như chính cuộc sống ngoài đời thực. Con người, cảnh vật hiện lên chân thật, gần gũi. Tất cả những thứ giản dị, đời thường ấy bước vào trang truyện hồn nhiên nhưng gợi cho người đọc bao suy nghĩ, trăn trở. Cuộc sống ấy, từ một gia đình như bao gia đình khác mà suy ra hình ảnh của cả xã hội. Cái xã hội cũng trọng tiền khinh tình, cũng bát nháo, nhố nhăng, cũng không có điểm tựa, cũng mất thăng bằng như thế. Tính thế sự của tác phẩm vì thế mà càng thêm sâu sắc, thấm thía. Nguồn cảm hứng này cũng là nguồn cảm hứng của cả một nền văn học sau đổi mới- khi các nhà văn quan tâm hơn đến số phận của những con người nhỏ bé, giản dị, không ai nhớ mặt đặt tên, quan tâm hơn đến vấn đề thực sự đặt ra đằng sau cuộc sống tưởng như không có gì để bàn cãi ấy.
Cảm hứng phế phán, phản tỉnh: không bằng lòng với những chiều kích hiện thực mở ra trước mắt, Nguyễn Huy Thiệp đã hướng ngòi bút của mình vào những địa hạt bình thường nhất, ít ai để ý nhất để tung ra những vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người. Ông lay động, thức tỉnh mọi người nhìn sâu vào hiện thực. Đằng sau vẻ bề ngoài vốn êm đềm, mượt mà của gia đình nhà kia, đâu ai biết là cả một sự rối rắm, một ổ những thể loại người, đủ cả, từ già đến trẻ, từ thằng trí thức đến bọn bình dân… Với ngòi bút có sức mạnh đánh thức người đọc đừng vội tin, dạy người ta biết nghi ngờ tất cả, Nguyễn Huy Thiệp còn nhân đó mà moi móc ra đủ các loại bệnh tật của cái gia đình bình thường này, như biểu tượng cho một trong vô số những ung nhọt của xã hội. Nhà văn phê phán nhiều thứ lắm: cái lối sống không tôn ti, trật tự, không có phép tắc, không đạo đức; cái loại người đê tiện, xấu xa mà giả danh tri thứ; cái tật xu nịnh cấp trên; cái tục thờ cúng truyền thống đang ngày càng mai một… Tất tần tật bằng ấy thứ nhồi nhét trong mấy ngày sinh hoạt của gia đình chồng chị Sinh. Chả trách câu chuyện cứ như muốn ứa ra, muốn vỡ ra vì ngột ngạt, dồn đọng. Nhà văn kể câu chuyện bằng một giọng quá ư là khách quan, quá ư là lạnh nhạt, tới mức dửng dưng, thờ ơ. Nhưng chính cái vẻ bất cần ấy lại tô đậm thêm tính chất phê phán với những vấn đề mà ông đặt ra trong tác phẩm của mình. Ông không phê phán bằng cách chửi thẳng vào mặt nhân vật của mình mà để bọn người ấy tự chửi nhau, không bình luận, đánh giá gì mà để bản thân cái khách quan ấy tự đánh giá chính nó. Chính cảm hứng phê phán, phản tỉnh này khiến câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp trở nên có chiều sâu, có tính triết lí và hấp dẫn bạn đọc nhiều hơn.
Phân tích các phạm trù thẩm mĩ trong “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp
Cái đẹp:
     Ý nghĩa thẩm mĩ là một trong những phương diện tạo nên giá trị của tác phẩm văn học. Bên cạnh cái hài, cái bi, ta còn thấy được cái đẹp trong truyện ngắn “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp. Một điều dễ dàng nhận thấy đó là có sự pha trộn giữ các phạm trù thẩm mĩ trong tính cách của từng nhân vật tạo nên tính đa diện cho từng nhân vật. Nguyễn Huy Thiệp luôn nhìn nhân vật của mình dưới các góc độ khác nhau, chính vì thế nhân vật của ông không có ai tốt hoàn toàn, cũng không có ai xấu hoàn toàn. Đó là cách nhìn một cách toàn diện bởi lẽ trong con người ta luôn tồn tại phần “con” và phần “người”, giữa ý thức, trách nhiệm và khát vọng cá nhân.
  - Tuy nhiên trong truyện ngắn này ta thấy hiện lên hai nhân vật mà cái đẹp nổi trội hơn đó là Sinh và Tốn. Trước hết là Sinh, người phụ nữ mới về làm dâu nhà lão Kiền, vợ của Cấn. Cô về làm dâu nhà lão Kiền cũng có nghĩa là cô đã lạc vào thế giới “phàm phu tục tử” của những người đàn ông, những người sống mạnh mẽ, sòng phẳng và có phần hoang dã. Sinh xuất hiện trong một gia đình toàn đàn ông được ví như cơn mưa giữa mùa đại hạn kéo dài: "Sinh lọt vào gia đình nhà này tựa như cơn mưa rơi xuống đất nẻ. Không khí dịu lại. Vài tháng đầu, lão Kiền không gây sự gì với con cái. Cấn là người hạnh phúc nhất. Anh cầm kéo cắt tanh tách, đối xử với khách hết sức nhã nhặn"... Nhưng với bản tính chân thực, lương thiện và cũng gọi là “có ít kiến thức”, Sinh đã làm thay đổi không khí sinh hoạt của cả gia đình lão Kiền. Sinh về làm dâu mang theo cả một “phản đề” lớn cho cái thế giới ngồn ngộn những hỗn độn ấy. Có Sinh ngôi nhà mang một dáng vẻ mới. Một “vị vua” hiện diện. Một “trật tự như thế” đã được thiết lập. Cha con lão Kiền thôi bớt thô tục và cục cằn. Nhưng không lâu sau, chính Sinh lại là người phải hứng chịu hậu quả của lối sống ngột ngạt đó, đến mức cô phải đưa dao ra dọa Đoài để y không đến gần mình…Với vai trò người phụ nữ duy nhất trong gia đình, Sinh đảm nhiệm việc nội trợ trong gia đình, ngày phục vụ 3 bữa cơm chu tất cho 6 người đàn ông. Nét đẹp ở nhân vật Sinh còn ở chỗ cô dành tình cảm thương yêu cho Tốn như đối với người em trai bằng tuổi Tốn ở nhà cô vậy. Tuy có lúc thất vọng, chán nản với cuộc sống nhà chồng nhưng Sinh vẫn cảm thấy: "Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm”.
 - Trong giữa bối cảnh gia đình hỗn độn như vậy, Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng nên hình ảnh nhân vật Tốn với một dụng ý nghệ thuật sâu  xa. Tốn tuy có hình thể xấu xí: "bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng" nhưng không vì thế mà những phẩm chất bên trong nhân vật này bị mất đi. Tốn "không chịu được bẩn", anh là người duy nhất trong gia đình quan tâm đến việc lau nhà. Ngay cả khi bị nhốt trong nhà xí vừa được thả ra, thấy nhà bẩn là anh lại lao ngay vào làm nhiệm vụ thường ngày của mình.Tốn còn "hay giúp đỡ Sinh, nó cư xử với Sinh bằng lòng tốt vô bờ bến". Có thể nói Tốn là người duy nhất trong gia đình đối xử với Sinh bằng tình cảm chân thật của mình. Phải chăng Tốn yêu quý Sinh, coi Sinh như người chị, người mẹ của mình vì cậu mồ côi từ nhỏ. "Những ý thích nhỏ nhặt của cô, nó thực hiện với lòng tận tụy cầm thú" , Nửa đêm, nếu Sinh buột miệng "có ô mai thì thích" là sẽ có ngay ô mai. Không biết Tốn lấy tiền ở đâu, đi mua lúc nào, chuyện này chịu”. Khi bốn ông anh biểu quyết để bố chết thì Tốn bật khóc hu hu...Đó là tiếng khóc của một con người tuy không ý thức được mình nhưng lại là tiếng khóc chân thực nhất. Ta đặc biệt chú ý đến chi tiết: Khi được Khiêm giải phóng khỏi buồng cạnh nhà xí, Tốn "chân tay mặt mũi đen nhẻm nhe răng cười" rồi "lết đôi chân què đi lên nhà"... Nhưng phải chăng ở nhân vật này lại tồn tại nguyên sơ tất cả bản năng thiện của loài người khi loài người chưa được "văn minh hóa". Khi đặt Tốn cạnh hai ông anh cử nhân Đoài và Khảm, người đọc được dịp cùng đối thoại: Phải chăng hệ quả của quá trình văn hóa hóa, văn minh hóa là bản năng thiện (gặp gỡ phương Đông: "nhân chi sơ tính bản thiện") của con người có nguy cơ bị triệt tiêu?
   Nếu chỉ có Sinh và Tốn thì có lẽ nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp trở nên đơn điệu. Không có lão Kiền, Đoài, Khiêm thì câu chuyện sẽ không được nhìn nhận một cách đa chiều. Thoạt nhìn có thể thấy nhân vật trong truyện chia làm 2 phe, trí thức và lao động chân tay. Nhưng dù ở phe nào đi nữa thì những con người ấy đều hiện lên với sự hỗn độn, bát nháo, không  có vua.
 - Đó là một Lão Kiền suốt ngày cau có, chực cơ hội để xổ toẹt vào con cái những lời độc địa; bỉ ổi nhìn trộm con dâu tắm khỏa thân; nhẫn tâm khi đồng lõa, hợp tác với con cả nhốt con út bệnh hoạn vào buồng cạnh nhà xí để “giữ thể diện” với khách khứa... Nhưng lão cũng đáng thương khi thành thực "Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b...” "Làm người nhục lắm" "Mẹ cha mày, tao chỉ nghĩ thân tao, thì lũ chúng mày được thế này à?"... Lão  đã hi sinh hạnh phúc cá nhân, một đời sống cho con cái, sống vì con cái. Và lão trở nên đáng yêu khi Rằm tháng Chạp, đi ngân hàng rút lãi tiết kiệm, mua cho Tốn cái áo sơ mi, mua cho Sinh đôi bít tất, còn lại tiền đưa cả cho Cấn; khi sáng mồng một Tết áo quần tề chỉnh cùng vợ chồng con cả đi chúc Tết hàng xóm... Và nữa, khi lão Kiền tắt thở, trên môi lão "thấp thoáng nụ cười, trông rất hiền lành, trung hậu". Phải chăng, chỉ khi "mãn hạn làm người", con người ta mới được trở về với bản tính thiện sơ nguyên của mình?
   - Đoài một người có trình độ cao nhất trong gia đình, làm ở Bộ giáo dục lại là người bỉ ổi, vô đạo đức, vô giáo dục nhất, trình độ ở đây không tỉ lệ thuận với đạo đức. Đoài đóng vai tính cách chẳng ăn nhập gì với vai xã hội: "Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét!" (như lời lão Kiền chửi). Giữa bữa cơm gia đình, có thể nhìn chăm chú vào khoảng lõm ở ngực chị dâu, nơi chiếc khuy bấm vừa tuột ra, bâng quơ trơ trẽn khiến chị dâu ngượng chín cả mặt. Ngang nhiên sàm sỡ, đòi ngủ với chị dâu, đòi đuổi anh trai ra khỏi nhà để chiếm chị dâu. Có thể đang khi chặt thịt gà, tay đầy mỡ, cứ để thế không rửa tay, chạy lại bàn thờ mẹ vái lia lịa. Lạy gì không lạy lại lạy mẹ phù hộ cho "đi học nước ngoài, kiếm cái xe Cub". Biểu quyết để bố chết khi lâm bạo bệnh. Thở phào "Thật may quá" khi nghe bố tắt thở. Gác lại đã việc nhận điện ông cậu chết vì đang dở cuộc vui, với lại "Các bác già chết đi có gì là lạ?" Ở nhà thì cãi lại cha, đối xử tệ với người thân nhưng ra ngoài lại xu nịnh cấp trên để mong thăng quan, tiến chức... Nhưng ở nhân vật này cũng tỏ ra tử tế "Con xin lỗi bố", biết cảm thông, chia sẻ với người khác (vì thông cảm cho con người đàn ông của bố, vì biết ơn sự hy sinh của bố sau khi nghe bố "nói chuyện đàn ông"). Đoài tỏ ra nghĩa khí bênh vực kẻ yếu "Anh mà đụng vào cô ấy là tôi chém liền!" khi anh trai sắp giở trò vũ phu với chị dâu. Đoài cũng biết giúp Tốn dọn nhà đón mẹ con Sinh về. Trong bữa tiệc mừng thành viên mới, Đoài rót rượu ra cốc, đứng lên nói: "Cốc rượu này tôi dâng cuộc sống…Vì đứa trẻ mới sinh ra kia, vì tương lai của nó"...
    - Khiêm một nhân vật có thể được coi là đồ tể, vũ phu nhất nhưng lại có tấm lòng ấm áp, bao dung, thương yêu mọi người nhất. Công việc của hắn là tay đồ tể "ngoại hạng", mắt "vằn tia máu đỏ", một công việc sát sinh, ăn cắp của công: một năm "ăn cắp đến nửa tấn thịt" (theo phép thống kê của Đoài), và "hai trăm sáu mươi bộ lòng" (theo phép thống kê của Khảm), sòng phẳng đến tàn nhẫn với anh trai khi ép anh trai nhận tiền công cắt tóc "Không phải người ngoài, anh không nhận thì thôi, tôi đi hàng khác, tôi bắt thằng khác ngoáy tai cho tôi"... Nhưng Khiêm lại rất mực tử tế với chị dâu (trước mâm cỗ đêm giao thừa, Khiêm bảo: "Chị là bề trên, chị cứ vái ba vái trước còn đâu tôi khấn"; Khiêm bảo: "Năm mới, chúc chị Sinh sức khỏe, may mắn. Mừng tuổi chị một nghìn, chị cầm lấy để cho có lộc" khiến Sinh rớm nước mắt). Khiêm rất mực tử tế với đứa em tật nguyền là Tốn (đã nổi giận lôi đình khi biết anh cả chỉ vì ích kỉ muốn giữ thể diện mà có thể nhẫn tâm nhốt thằng em vào buồng cạnh nhà xí). Khiêm đã "tặng" cho Sinh và Tốn một buổi tối giao thừa vô cùng "cảm động". Khiêm cũng tử tế rất mực với bố. Bên giường bệnh của bố, khi đêm đã khuya, mọi người đã đi ngủ, "Khiêm vẫn ngồi đọc. Đọc đi rồi lại đọc lại. Đại ý bài kinh xin đức Phật giải tội cho người sắp chết, để nghiệp chướng cho người sống chịu, lời lẽ khó hiểu. Suốt đêm Khiêm ngồi đọc, lạc cả giọng"...
b.Cái hài
Tính cách đặc biệt của một số nhân vật
Sự hài hước trong tính cách được làm nên từ sự đối lập giữa nghề nghiệp, địa vị, học vấn với trình độ văn hóa và bản chất con người:
- Đoài: rõ ràng là công chức ngành giáo dục, nhưng bản chất lại giống như một kẻ vô giáo dục: dâm ô, đê tiện, hám tiền của, bất hiếu…
- Khảm: sinh viên đại học, cũng là kẻ có học, nhưng tính cách phóng túng, không có chính kiến, cũng bị mắc bệnh hám của và bất hiếu giống như người anh thứ hai của mình.
=> sự phi lí trong tương quan giữa “vai xã hội” và tính cách, ắt hẳn ban đầu sẽ gây cho người đọc tiếng cười nhẹ nhàng mang tính chất mỉa mai, chế giễu.
Trong lời thoại
Một số đoạn hội thoại của mấy người con lão Kiền có lẽ có thể dựng thành hài kịch, họ trêu đùa nhau, “đá đểu” nhau, cạnh khóe nhau một cách hài hước, thậm chí lấy cái dung tục để gây hài.
Chẳng hạn:
+ Đoạn thoại giữa ông Kiền, Đoài và Khảm về câu chuyện sự tích ông Táo trong bữa cơm ngày 23 tháng Chạp,
+ Đoạn thoại giữa Đoài với ông hàng xóm ngày mùng một Tết.
+ Đoạn thoại giữa Khảm-My Lan-Việt Hùng trong ngày giỗ bà Nhớn.
=> Cách trần thuật lạnh lùng, hết sức khách quan đã làm cho tiếng cười bật ra một cách tự nhiên và sinh động.
Trong hành động, thói quen của nhân vật:

Có thể chắt lọc ra trong truyện rất nhiều chi tiết hài hước mà thoạt tiên, người đọc ai cũng phải bật cười:
- Những chi tiết nói về hành động ngây ngô của thằng Tốn: luôn cặm cụi lau sàn, sẵn sàng giúp đỡ chị Sinh bất cứ lúc nào và thực hiện việc đó ngay lập tức sau khi có lệnh….
=> Tiếng cười thương cảm
- Bữa cơm gia đình cha con lão Kiền: “ăn cơm chẳng mời ai, sáu người đàn ông, ai cũng cởi trần, mặc quần đùi cười nói thản nhiên, chan chan húp húp như rồng cuốn”
=> Tiếng cười bật lên từ sự phi lí tới nực cười trong lối ứng xử của các thành viên trong gia đình với nhau, suồng sã tới vô lối,chẳng có một chút tôn ti trật tự nào.
- Sổ kế toán “gián điệp” của lão Cấn, giấc mơ của Khảm sau khi nghe Khiêm kể chuyện giết lợn của mình...
=>Tiếng cười vui vẻ nhẹ nhàng bật lên từ những chi tiết hài hước
c.Cái bi
  Thế nhưng, dường như tất cả những tiếng cười ấy đều ẩn chứa trong nó một sự tình có vấn đề, khiến người ta cười xong mà phải suy ngẫm, ám ảnh, có cái gì như nỗi đau, như bi kịch trong câu chuyện của gia đình lão Kiền ấy. Như cách nói của một nhà nghiên cứu, Nguyễn Huy Thiệp có tài “nói chuyện hài mà cái bi luôn chầu chực để xé nát cái cười thoáng qua đó thôi”. Đọc “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp cũng vậy, cái cười chỉ kịp thoáng qua, và ngay lập tức, người ta nhận thấy cái buồn đau ẩn chứa trong đó:
- Buồn cho luân thường đảo lộn, tình người phôi pha: cha không tôn trọng con cái, con coi cha như kẻ bằng vai phải lứa, anh em tính toán với nhau, không coi nhau ra gì…
- Buồn cho đạo đức con người đang dần bị băng hoại, đạo đức truyền thống trong cơn đảo điên không hề có chỗ đứng: sự băng hoại đạo đức của người cha khi để phần “con” lấn át phần người (chi tiết lão Kiền xem trộm con dâu tắm), sự đê tiện của một kẻ mang danh học thức như Đoài, một chàng công tử chỉ thích phong lưu và vô dụng như Khảm, một kẻ bạo lực và dữ dằn như Khiêm…
- Buồn cho cả một xã hội coi đồng tiền quan trọng hơn cả tình người và sự sống của những người thân, coi “tiền là vua”, nó có lẽ là đầu mối cho mọi sự băng hoại.
 
    Tựu chung lại, có lẽ phải nói rằng, truyện “Không có vua” từ đầu chí cuối là một câu chuyện buồn, cái cười chỉ là cái bề mặt và là cái thoáng qua mà thôi. Nói như vậy để thấy rằng, giá trị thẩm mĩ của truyện được toát lên trước hết ở sự đan xen hữu ý giữa cái hài và cái bi, làm nên những ý nghĩa sâu sắc.


Phụ lục
Phân tích những điểm tốt, điểm xấu của các nhân vật trong Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp
Nhân vật
Điểm xấu
Điểm tốt
Lão Kiền
Suốt ngày cau có, chực cơ hội để xổ toẹt vào con cái những lời độc địa
Bì ổi nhìn trộm con dâu tắm khỏa thân.
Nhẫn tâm đồng lõa hợp tác với con cả nhốt con út bệnh tật vào buồng cạnh nhà xí để giữ thể diện với khách khứa

Lão cũng đáng thương khi thành thực:”Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có cái b…”. “Làm người nhục lắm”…
Đứng trước bàn thờ khấn vợ lão đã khóc
Lão trở nên đáng yêu khi rằm tháng chạp đi ngân hàng rút tiền tiết kiệm mua cho Tốn một chiếc áo sơ mi, mua cho Sinh một đôi bít tất, còn lại tiền đưa cho Cấn.
Sáng mùng một tết áo quần chỉnh tề cùng vợ chồng  con cả đi chúc tết hàng xóm.
Cấn
Nóng tính, vũ phu:”Tát Sinh một cái nảy đom đóm mắt”.
Đồng lõa với bố nhốt em trai út vào buồng cạnh nhà xí để giữ thể diện.

Kiếm ra tiền để trang trải cuộc sống gia đình.
Là “kế toán” của gia đình, mọi khoản chi tiêu đều ghi chép rất rõ ràng









Đoài
Là công chức giáo dục nhưng lại là kẻ vô giáo dục:” Lười như hủi, chữ tác, chữ tộ không biết chỉ giỏi đục khoét”
Mua chuộc nịnh bợ cấp trên
Giữa bữa cơm gia đình có thể nhìn chăm chú vào khoảng lõm giữa ngực chị dâu nơi chiếc khuy áo vừa tuột ra. Ngang nhiên sàm sỡ đòi ngủ với chị dâu
Đòi đuổi anh trai ra khỏi nhà để chiếm chị dâu.
Đang chặt thịt gà, tay dầu mỡ, không rửa tay chạy lại bàn thờ khấn vái lia lịa
Biểu quyết để bố chết khi bố lâm bệnh
Cũng có lúc tỏ ra hối lỗi “Con xin lỗi bố” khi nhận ra những hy sinh của người bố
Tỏ ra bênh vực kẻ yếu: “Anh mà đụng vào cô ấy là tôi chém liền”
Cũng biết  giúp Tốn dọn dẹp nhà cửa đón mẹ con Sinh.
Khiêm
Tay đồ tể “ngoại hạng”, Mắt “vằn tia máu đỏ”.
Một năm ăn cắp đến nửa tấn thịt và hai tram sáu mươi bộ lòng lợn.
Sòng phẳng đến tàn nhẫn với anh trai khi ép anh trai nhận tiền công cắt tóc.
Tử tế với chị dâu và đứa em tật nguyền.
Khiêm đã “tặng” cho Sinh và Tốn một đêm giao thừa vô cùng “cảm động”
Kính trọng chị dâu nhường chị cúng tổ tiên trước bởi vì chị là bề trên
Bên giường bệnh của bố, khi đêm đã về khuya mọi người đã ngủ Khiêm đã đọc kinh đến “lạc cả giọng” để bố ra đi được thanh thản.
Khảm
Đi dân quân lại ăn trộm khoai lang của dân (theo lời của Mỹ Lan bạn Khảm nói)
Ti tiện thỏa hiệp với Đoài nếu tán được Mỹ Trinh con gái ông “Ánh sáng ban ngày” thì thưởng cho em cái gì.
Là sinh viên Đại học, có giáo dục.
Tốn
Bị bệnh thần kinh, người teo tóp dị dạng.
Là người chăm chỉ: Luôn giúp Sinh lau nhà giặt giũ. Tốn không chịu được bẩn cứ chốc chốc lại cầm cái xô và giẻ lau ra lau nhà. Ở nhà cứ ai thay quần áo ra Tốn lại cầm đi giặt, giặt rất sạch và phơi phóng cẩn thận.
Tính cách: Ít nói ai hỏi cũng cười bén lẽn và trả lời nhát gừng
Tốn đối xử với Sinh bằng lòng tốt vô bờ bến “ Những ý thức của Sinh nó thực hiện bằng long tận tụy cầm thú”
Khi bốn người anh biểu quyết để bố chết thì Tốn bật khóc huh u.
Khi được Khiêm giải phóng khỏi buồng cạnh nhà xí, Tốn” Chân tay mặt mũi đen nhẻm nhưng vẫn nhe răng ra cười”
Sinh
Giấu nhẫn vào cạp quần rồi nói với chồng là bị mất trộm
Sinh là người phụ nữ nhẫn nhịn chồng, chăm sóc gia đình nhà chồng hết mực, ngày ba bữa cơm
Bị em chồng sàm sỡ nhưng cô nhẫn nhịn không nói với chồng sợ làm mất hòa khí gia đình nhà chồng
Chung thủy với chồng










Không có nhận xét nào:

Có lẽ là tình yêu!

   Viết những dòng này trong lúc tâm trạng thật ổn định để cho sau này có biến cố nào xảy ra thì sẽ không hối hận cho những ngày ta đã sốn...