19 thg 5, 2013

Samsa có đáng làm con bọ?

    Kafka không chỉ được biết đến với vai trò là một nhà văn xuất sắc của thế kỉ XX mà ông còn được xem như một nhà tiên tri của thế giới. Người ta không thể tưởng tượng được rằng, tại sao những thứ mà Kafka nói trước đó hàng thế kỉ thì bây giờ đang diễn ra rõ mồn một? Trong cái gia tài văn chương khiêm tốn của mình, Biến dạng được xem là tác phẩm tiêu biểu của ông. Đó là một truyện ngắn viết về sự tha hóa, suy đồi của con người trong thời kĩ trị thông qua hình tượng nhân vật con bọ Gregor Samsa.
    Câu chuyện của Samsa được bắt đầu vào một buổi sáng thức dậy anh ta thấy hình hài của mình biến thành một con bọ nhưng không hề mảy may về chuyện đó, anh ta tìm mọi cách thoát khỏi chiếc giường đuổi kịp thời gian đi làm trong sự thúc giục của gia đình và tiếng còi tàu buổi sáng. Mọi nỗ lực của Samsa vẫn chẳng thể đem lại cho anh ta kết quả gì và hậu quả là anh ta đã không thể đi làm đúng giờ. Lão quản lí đích thân đến nhà Samsa để chứng thực anh có thực sự ốm hay lười biếng. Mọi người trong nhà bắt đầu lo lắng và điều này khiến anh cảm thấy được an ủi. Samsa cố hết sức dùng miệng  mở cửa và điều kinh hoàng xảy ra khi mọi người trông thấy bộ dạng quái gở của anh. Lão quản lý chạy thục mạng ra khỏi nhà trong khi anh cố nài nỉ hắn vì sợ mất việc. Mẹ anh chết ngất đi còn người bố lạnh lùng kêu gào đuổi anh vào trong phòng. Từ đó Samsa sống trong lốt con bọ bị mọi người kì thị và dần bị lãng quên. Bố, mẹ, em gái Samsa đều tất bật theo những công việc mưu sinh. Trước việc chăm sóc Samsa do cô em gái Grete đảm nhiệm nhưng rồi người ta từ bỏ cái ý nghĩ một Samsa có thể trở lại như trước kia. Họ bỏ mặc anh chết khô trong căn phòng bẩn thỉu và thở phào khi bà giúp việc hót anh đi. Một câu chuyện hoang tưởng về số phận của một con người nhưng không có lí do nào để phủ nhận sự thực của nó. Có thể một ngày nào đó chính chúng ta cũng sẽ giống như Samsa chết trong sự quên lãng của mọi người khi chúng ta không còn giá trị với họ.
   Bi kịch của Samsa được đặt trong mối quan hệ giữa anh gia đình và xã hội với những qui chuẩn của thời "kĩ trị". Samsa là một người tận tâm và có trách nhiệm. Vì gia đình anh luôn chăm chỉ trong công việc. Sáng sáng Samsa phải dạy sớm để bắt chuyến tàu lúc 5h và trở về nhà lúc tối muộn. Cuộc sống quanh cuồng khiến Samsa không có một chút thời gian riêng tư nào dành cho mình và nghĩ đến mình. Samsa chạy theo yêu cầu công việc, chạy theo những mong ước của người thân và chạy theo những mục tiêu cao cả là cáng đáng gia đình như anh tự đặt ra để rồi một ngày anh trở thành con bọ. Nhiều người cho rằng sự biến dạng về hình hài của Samsa dẫn đến những biến dạng về nhân cách của anh ta sau này. Nhưng dường như qui luật đó phải là ngược lại. Những biến dạng về hình hài chỉ là một hệ quả tất yếu và không sớm thì muộn Samsa phải hứng chịu. Nhưng đó không phải là lỗi của mình anh hoặc có thể anh chính là một nạn nhân. Nạn nhân của thời đại, nạn nhân của chính mình. Khi guồng quay của những máy móc cuốn con người theo những qui chuẩn khô khan gò bó, con người buộc phải bỏ đi những cá nhân riêng tư và thậm chí họ cũng chẳng có thời gian dành cho những lựa chọn. Bi kịch hiển nhiên là họ chịu tha hóa, biến dạng.
  Giống như một hiện tượng tự nhiên, biến dạng cũng có nguyên nhân và kết quả song dường như giải pháp vẫn để ngỏ cho những thiên tài tìm ra những đột phá. kafka đã khéo léo bóc tách và lí luận về những nguyên nhân đó. Có hai nguyên nhân chính gây nên sự biến dạng cho nhân vật. Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ xã hội. Cái xã hội mà Samsa đang sống là xã hội của những ngành công nghiệp, của những cỗ máy vận hành gấp gáp và đòi hỏi năng suất cao. Và giá trị của Samsa được định danh bởi năng suất lao động và kết quả công việc. Tiêu chí đánh giá con người giống như một thứ máy móc hiện đại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xã hội con người càng ngày càng phát triển theo đúng nghĩa đen của nó. Điển hình cho xã hội đó là những con người máy móc, khô khan và vụ lợi. Những điều này được thể hiện qua các nhân vật Samsa , lão quản lí, bà giúp việc và 3 tên khách trọ trong truyện. Trong số đó lão quản lí là điển hình hơn cả. Lão là một tay quản lí quèn cho công ty quảng cáo mà Samsa đang làm. Lão chịu trách nhiệm giám sát những nhân viên tiếp thị. Để công việc đạt được hiệu quả tốt nhất lão luôn đốc thúc và gò ép nhân viên của mình. Điều này khiến Samsa ghét cay ghét đắng: "nếu không vì bố mẹ mà chịu nhục thì mình đã bỏ việc từ lâu rồi..". Áp lực công việc làm cho Samsa nhận thấy đây là một nghề "quá đỗi nhọc nhằn" và đúng như những điều anh tưởng tượng khi không thể ra khỏi giường và biết mình muộn làm đó là lão quản lí đã đích thân đến tận nhà anh để kiểm tra xem anh ốm thật hay chỉ là lười biếng. Hành động của lão không hề xuất phát từ ý tốt của một ông chủ quan tâm đến nhân viên như kiểu của Giăng văn giăng với Phăng-tin mà bắt nguồn từ tính nghi kị. Hiển nhiên sự chăm chỉ và tận tâm bấy lâu nay của Samsa không hề được công nhận. Điều này khiến cho anh phải thốt nên xót xa : "khốn khổ thân tôi...sơ sót chút là bị người ta nghi ngờ tai ác thế đấy...". Hành động của lão quản lí là minh chứng cho áp lực của con người buộc phải chịu đựng trong thời kì công nghiệp. Mỗi người là một cỗ máy phải luôn được bảo đảm vận hành một cách tích cực nhất và sự ốm yếu là không thể. Đây chính là cái cách của "tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại" mà chủ nghĩa duy lý cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 đề cao.
  Cùng với lão quản lí là ba tên khách trọ và bà giúp việc cũng đại diện cho những qui chuẩn của xã hội. Với những người này, con bọ Samsa không hề có chút giá trị nào cả, nó không khác gì một thứ trò tiêu khiển của họ. Bà giúp việc không hề tỏ ra sợ hãi, bà ta hiếu kì và tò mò với Samsa, bà ta trêu chọc và thích thú khi tống khứ được con bọ đó ra khỏi nhà. Còn ba tên khách trọ cũng chẳng hề kinh tởm Samsa, ngược lại họ thấy thích thú và lấy luôn đó làm lý do quỵt tiền nhà. Điều đáng nói là những người này không hề sợ hãi, không hề thắc mắc về sự có mặt của một con bọ khổng lồ như vậy. Dường như họ xem đó là điều hiển nhiên và chẳng hề xa lạ hoặc chính họ là những con bọ như Samsa chỉ khác điều là chưa đến lúc biến đổi hình dạng. Thế đấy đâu phải lúc Samsa biến thành con bọ anh đã vô ích hoàn toàn. Người ta vẫn cố moi móc chút ít từ anh. Con người thông minh có khả năng biến rác rưởi thành những thứ có ích cho mình.

 Nguyên nhân thứ hai bắt nguồn từ chính gia đình anh. Samsa đã sống kiếp người xa lạ và chịu đày ải trong chính ngôi nhà thân yêu của mình. Những người trong gia đình anh bao gồm ông bố, mẹ và cô em gái vô cùng yêu quí Grete đều lần lượt xa lánh anh và cuối cùng họ bỏ mặc anh cho mụ giúp việc hót đi như một thứ rác rưởi. Với gia đình, giá trị của Samsa được định danh bằng sự hi sinh. Tất cả mọi người đều dựa và sức lao động của anh. Anh làm việc để trả nợ cho người cha, để mẹ anh nhàn hạ với công việc gia đình và để cô em gái vào được nhạc viện như mong muốn. Tất cả họ đều mặc định trách nhiệm nuôi sống gia đình là của Samsa, không bàn cãi. Mặc dù người mẹ có than vãn với lão quản lý: " Thằng con tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến công việc mà thôi. Thật tình, tôi cũng phát bực lên với nó, tối nào nó cũng ru rú ở nhà..." nhưng lời nói này lại xuất phát từ nỗi lo Samsa mất việc. Buổi sáng hôm đó bà đã nhiều lần thúc giục Samsa dậy cho kịp giờ làm, người mẹ cũng tỏ ra lo lắng nhưng lại bất lực khi nhìn thấy bộ dạng của Samsa. Những nỗ lực của gia đình khiến cho anh "cảm thấy được lôi kéo về với thế giới loài người...". Nhưng ngay sau đó anh đành chấp nhận cuộc sống trong lốt của một con bọ với sự ghẻ lạnh của gia đình. Kafka đã tạo ra một tình huống nghịch lý, đó là Samsa trong bộ dạng của một con bọ nhưng luôn luôn cố gắng nghĩ cho gia đình, lo lắng không biết ai có thể kiếm tiền cho ông bố già, bà mẹ ốm yếu và cô em gái đang ăn học. Còn một bên là những người trong gia đình mang hình dáng con người thì lại suy nghĩ và hành động như loài vật. Đầu tiên là người cha cầm gậy và la ó rồi nhốt anh vào phòng và chẳng hề quan tâm đến anh sau đó ra sao nữa. Người cha được xem như biểu tượng hình anh của người cha ruột Kafka đầy uy quyền, lạnh lùng và tàn nhẫn. Người cha chẳng thế nào đứng lên và chỉ nằm trên ghế vẫy tay một khi Samsa đi làm, giờ thì đã đứng ngay dậy trong bộ quần áo công nhân lao vào cuộc sống mưu sinh. Đây có thể là một dẫn chứng sinh động về bản năng sinh tồn của con người. Sau khi lao động chính của gia đình biến thành con bọ vô dụng những người trong gia đình phải tự vận động nuôi sống bản thân. Họ cũng chẳng có thời giờ đắn đo, đau khổ hay tìm cách cho Samsa trở lại hình dạng như trước khi.Chính cuộc sống đã cướp mất đi quyền suy nghĩ cho người khác của họ. Và thật nghịch lí khi lúc này chỉ có mình con bọ là biết suy nghĩ cho người khác, biết lo lắng cho người khác. Trong truyện, cha Samsa là hiện thân của thói trưởng giả, một người sống theo lề thói gia trưởng nặng nề. Khi Samsa biến thành con bọ đã khiến ông đau khổ đến rơi lệ, kinh hoàng và gào thét.  Với bản lĩnh của một người đàn ông khi gia đình mất đi người lao động chính ông đã nhanh chóng thu xếp cuộc sống vật chất cho gia đình. Giờ đây, mối bận tâm lớn nhất của ông là nỗi sỉ nhục vì con trai ông không còn là người nữa. Chính vì thế khi Samsa xuất hiện ông đều ra sức đuổi anh vào phòng và cũng chính ông là thủ phạm gây nên cái chết của Samsa. Lần thứ hai Samsa dời khỏi phòng, cha anh đã ném quả táo vào người anh và nó  đã gây nên vết loét cướp đi mạng sống của anh. Mối quan hệ cha - con được khắc họa rõ nét trên hai phía đối nghịch cả về thể trạng lẫn khả nằng tư duy và  khát vọng..
   Samsa, xét về một khía cạnh nào đó anh là một người đáng tôn vinh, trân trọng. Anh sống có mục đích rõ ràng và đó là gia đình. Anh sống để hoàn thành trách nhiệm và bổn phận. Theo kết nhân quả cấu truyền thống ắt phải có một điều tốt đẹp nào đó đến với anh, xứng đáng với những hi sinh anh bỏ ra. Song mặt khác chính cái trách nhiệm và bổn phận lại kéo Samsa trượt dài và anh đánh mất chính bản thân mình. Samsa không hề có một chút dành cho bản thân. Ngay cả công việc mà anh nguyện gắn bó cả đời cũng là vì gia đình, không vì sở thích hay đam mê nào đó. Chính điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là sự biến dạng về hình hài của anh. Những trách nhiệm, công việc khắc nghiệt tạo nên những cái chân nhỏ xíu ngọ nguậy. Trách nhiệm to lớn tạo nên cái lưng "rắn như thểì được bọc kín bằng giấy sắt...". Rồi sau đó Samsa mất tiếng nói. Tiếng nói là cái phân biệt đầu tiên giữa con người và con vật. Nhưng buồn thay Samsa vẫn suy nghĩ và vẫn hiểu được những lời nói của mọi người xung quanh. Trong suốt thời gian đo anh đã chứng kiến mọi người đối xử với anh ra sao. Cô em gái Grete ban đầu nhận nhiệm vụ dọn dẹp căn phòng của Samsa. Cô luôn quan tâm và chăm chút đến bữa ăn của anh. Cô đã vui khi Samsa tỏ ra thích thú với những gì cô mang đến và cô còn nghĩ sẽ dọn phòng cho anh khi thấy anh thích leo trèo. Sự nhiệt tình có thể coi là những hiếu kì của tuổi trẻ và tuổi trẻ thì "cả thèm chóng chán". Ngay sau đó cô vứt bỏ bất cứ thứ gì vào phòng anh cô: "em gái anh không còn nghĩ đến việc mang vào cho anh những gì có thể làm anh hài lòng nhất mà thay vào đó, mỗi sáng, mỗi trưa, hai lần trước khi cô đi làm, cô hấp tấp đầy vào phòng anh bất cứ thứ gì vớ được..." và cứ như vậy cô bỏ cho Samsa chết trong đói khát và bẩn thỉu. Cuộc sống mưu sinh đã chiếm hết thì giờ và sự quan tâm của cô, cô bỏ mặc người anh trai đã từng thương yêu và chiều chuộng cô. Và rồi từ một người đáng lẽ phải nhận được sự yêu thương của gia đình Samsa bị hắt hủi, ghẻ lạnh, bị coi như một nỗi sỉ nhục của gia đình một gánh nặng. Cũng chính cô em gái đã thốt lên những lời xúc phạm nhất dành cho anh: "nó phải đi..." Chúng ta đã từng mong ngóng tình yêu thương của cô em gái có thể giúp Samsa trở lại hình dáng con người song hi vọng cuối cùng đó đã bị dập tắt bởi sự ích kỉ của những người thân. Khi sự hi sinh của Samsa không còn nữa thì tình cảm của mọi người dành cho anh cũng chẳng có. Bố anh " chà" và tạ ơn chúa đã cho anh chết, còn mẹ anh thì cười run rẩy làm như vừa trút được gánh nặng trong lòng. Rồi sau đó họ nhanh chóng trở về với cuộc sống bình thường và chuyển sang nỗi lo cho cô gái.
  Bi kịch của Samsa không phải của riêng anh mà đó là hiện thực biến dạng của những con người hiện đại. Ai có thể chắc chắn được rằng những người còn lại không biến thành bọ như anh? Cái nỗi cô đơn mà Samsa phải chịu đựng trong căn phòng vài mét vuông ấy là những dự báo đáng lo ngại về cuộc sống trong tương lai của con người. Bận bịu với mưu sinh con người chỉ có thể giấu mình trong những cái hộp và cần mẫn làm việc với một tình thần trách nhiệm nào đó. Họ luôn được định danh bởi những trách  nhiệm và bổn phận. Nhân vật Samsa không bị biến dạng hoàn toàn, anh vẫn còn có thể hiểu và suy nghĩ, cảm thông như con người nhưng đó lại là bi kịch đau đớn hơn nữa khi người ta không thể biện minh cho công lao của mình. Đây chính là cách làm của Kafka đặt con người giữa ranh giới tồn tại để khai thác những cảm nhận sâu sắc về cuộc đời, từ đó nhân vật giúp chúng ta ngộ ra những chân lí về sự tồn tại.

  Với lối kể chuyện khách quan và giọng văn sắc sảo cùng những yếu tố huyền ảo đan xen làm cho câu chuyện nửa hư nửa thực, Kafka đã thành công trong việc truyền tải những thông điệp mang tính dự báo về sự tha hóa, biến chất của con người trong xã hội hiện đại. Có lẽ chính điều này đã làm cho sức ảnh hưởng của ông còn dai dẳng đến tận bây giờ.

Không có nhận xét nào:

Có lẽ là tình yêu!

   Viết những dòng này trong lúc tâm trạng thật ổn định để cho sau này có biến cố nào xảy ra thì sẽ không hối hận cho những ngày ta đã sốn...