24 thg 9, 2018

Câu chuyện ngày Trung Thu



Đã lâu lắm rồi, tôi mới có thời gian để ngồi nhớ lại mấy chuyện trước đây. Thỉnh thoảng chúng cũng vụt qua trong đầu, nhưng đó là những suy nghĩ chốc lát rồi nhanh chóng bị lấn chỗ bởi những công việc hiện tại.

Hồi ấy, tôi độ 9, 10 tuổi gì đấy. Lúc nào cũng háo hức lễ, háo hức tết và nhất là tết Trung Thu. Ngay từ cuối tháng 7 âm, ông nội đã đi chọn những cây tre đẹp nhất để chuẩn bị chẻ, vót làm đầu sư tử cho chúng tôi. Mấy anh chị em chúng tôi mà cầm đầu là tôi- chị lớn nhất là một đội sư tử nổi tiếng trong xóm. Năm nào, chúng tôi cũng họp nhau đi múa sư tử. Có những lần còn đi múa từ 11 âm lịch cho đến hết ngày 15.
Múa sư tử thì quan trọng nhất là cái đầu sư tử phải đẹp. Thế nên, ông nội dày công vót vót, đan đan cho thật đẹp. Ông bảo đẹp nhất là cái sừng, sừng phải dài, phải cong. Rồi đến cái đầu to, bướu, mắt thồi lồi, miệng phải dữ tợn. Ngày nào đi học về, chúng tôi cũng xúm xít ở góc sân nhà với ông. Hôm nay ông xong phần khung rồi. Khung nhìn thì chưa ra hình mấy. Trông nó giống cái lồng gà. Ngày hôm sau, ông đã dán giấy báo thật chắc. Cũng chưa nhìn rõ lắm, trông giống đồ hàng mã thì đúng hơn. Tụi tôi cười tủm tỉm, nhưng đứa nào đứa nấy cũng chắc mẩm: “Quả này thì đầu bọn mình to nhất xóm.” Đến ngày thứ ba, ông bắt đầu dán những tờ giấy màu xanh đỏ lên con sư tử.  Nó bắt đầu hiện nguyên hình lộng lẫy. Nhưng hay nhất là con mắt, ông còn gắn mi giả cho nó, làm cho nó nâng lên, hạ xuống như kiểu con sử tử thật biết chớp mắt. Nhìn vui ghê.
Thích nhất là khoản múa sư tử. Cả nhóm có 5 đứa, đứa nhỏ nhất là học lớp 1, tức là thằng em ruột tôi. Ông đã làm cho nó một cây gậy sắc màu cho giống gậy như ý của Tôn Ngộ Không. Đeo mặt nạ, nó đóng vai Ngộ Không. Con em họ học lớp 2, độn quả bóng nhựa vào bụng giả làm Chư Bát Giới. Thằng em con cô tôi cầm đũa cả và can gõ nhịp. Còn tôi á, chức vụ cao nhất là là…múa đầu sư tử. Mà không phải là dễ đâu. Cái đầu trông vậy mà nặng dữ. Vừa múa, vừa biểu diễn, kết hợp với cái thằng em vẫy đuôi đằng sau. Nhảy lên, nhảy xuống, qua trái, qua phải. Đó là cả một nghệ thuật.
Múa sư tử cũng phải bài bản. Khúc dạo đầu thì lấy đà, chạy từ ngoài cổng vào trong nhà, khua vài vòng cơ bản. Khúc giữa, nhịp đều đều, thì nhảy lên, nhảy xuống, nhịp nhàng, diễn trò cùng với Ngộ Không và Bát Giới. Độ khoảng 2 phút,  hết bài, bắt đầu trống dồn thì múa chào chủ nhà. Để rèn thuần thục bài múa, “sư phụ” ông nội đã mất 2 buổi chiều để tập luyện cho cả nhóm. Rồi sau đó tự tập để ông duyệt.
Nhóm múa lân của tụi tôi duy trì đến khoảng năm tôi học lớp 7. Hết thời “sửu nhi”, bắt đầu tập trung nhiều cho việc học, chúng tôi cũng không đi múa nữa. Rồi anh chị em tôi lớn lên, mỗi đứa một việc, một chỗ. Cả năm cũng chẳng gặp nhau được mấy bận. Mà gặp mặt thì cũng chẳng được hồn nhiên, vui vẻ như ngày trước. Ai cũng có mối bận tâm riêng của mình. Còn ông nội, ông đã già hơn trước rất nhiều. Sức khỏe của ông cũng yếu dần đi. Nhưng vẫn góc sân ấy, ông nội ngồi hiền từ, kiên nhẫn vót từng nan tre, đan cài chúng vào nhau làm nên cái đầu sư tử thật đẹp.


Có lẽ là tình yêu!

   Viết những dòng này trong lúc tâm trạng thật ổn định để cho sau này có biến cố nào xảy ra thì sẽ không hối hận cho những ngày ta đã sốn...